top of page
Tìm kiếm
  • Ảnh của tác giảMèo lang thang

ĂN BỐC Ở ẤN ĐỘ


Taj Mahal

Sau bài về Tây Tạng tôi có hỏi mọi người muốn tôi kể chuyện đi đâu tiếp, ăn bốc ở Ấn Độ hay Trăng mật ở Maldives, mọi người comment với PM tôi toàn bảo kể về Ấn Độ đi, trăng mật Maldives thì có mỗi “1 việc để làm” chứ làm gì có gì mà kể :)). Thực ra Maldives cũng có nhiều việc khác ngoài cái việc mà các bạn đang nghĩ đến mà nhưng thôi cứ kể Ấn Độ trước vậy :)).


Thời điểm tôi đi Ấn Độ là dịp tết 2015. Như mọi lần, trước khi đi tôi lại lên FB rủ rê mọi người , đợt đấy tôi nhớ ban đầu cũng rủ được 2 người, 1 em gái 88 và 1 anh trai 84 bạn em gái kia thì phải. Quyết định đi dịp Tết thì là do Ấn Độ mùa hè mấy chỗ tôi định đi toàn 40 độ , mùa đông thì mát hơn quanh quanh 20-25 độ. 1 lý do nữa là Tết tầm này cũng đâu 28-29 tuổi rồi, Tết hết ông bà bố mẹ cô dì chú bác hàng xóm đến chỉ hỏi mỗi việc là bao giờ lấy vợ , bao giờ cho ăn kẹo, ăn cỗ . Mẹ thì sốt sắng bắt chở đến nhà người này người kia để “chúc Tết” mà sao trùng hợp thế toàn nhà có con gái lại toàn hợp tuổi tôi :O, “trùng hợp” ghê :)) . tôi có đến nỗi ế đâu huhu, mà ế cũng phải có phẩm giá của ế chứ :((. Anyway, lẳng lặng book vé xong sát ngày mới nói với bố mẹ. Thế là ăn chửi ròng rã đến lúc đi vì “cả năm mới có Tết mà mày lại đi đâu mất”, “không ở nhà giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, thắp hương” các thứ ( ở nhà thì Tết tôi cũng có làm gì đâu nhỉ :)) ).


Sân bay New Delhi

Anyway, quay lại việc đi Ấn, 3 người đoàn tôi lên plan ban đầu là đi Leh, Delhi, Agra và Jaipur. Các bạn có hỏi tại sao tôi nhớ siêu thế là do tôi hay lưu lại file kế hoạch, giờ giở email ra là “nhớ” hết :)).

Leh ( thủ phủ của Ladakh , 1 phần của bang Jammu & Kashmir , thuộc khu vực Himalaya )

Thế xong gần đến Tết, 2 bạn kia cancel :)) ( giống Tây Tạng quá, đời tôi cô đơn nên đi chơi cũng cô đơn :)) ) . Hơi tiếc mà cũng không sao, cứ được đi chơi là tôi sướng rồi :D . Còn lại 1 tôi nên kế hoạch lại thay đổi chút. Vì Leh là 1 phần của khu vực Himalaya, con người và cảnh vật khá giống Tây Tạng ( người Tạng ở đây cũng rất nhiều ) . Hơn nữa mùa đông ở đây rất khắc nghiệt , di chuyển lại xa xôi nên tôi quyết định bỏ qua , dành để lần sau đi Tây Tạng 1 thể :D.

Thế là quyết định đi Delhi, Agra, Jaipur . Tuyến này mọi người hay gọi là Golden Triangle ( Tam giác vàng ) của Ấn Độ . Cái này là tam giác vàng về du lịch chứ không phải tam giác vàng về ma túy như ở Lào, Thái Lan, Myanmar nhé :)).


Pháo đài ở Agra

Đang google mấy chuyến tàu của Ấn Độ thì tự nhiên thấy quảng cáo 1 công ty tour bên kia về private tour, tức là tôi có 1 ô tô và lái xe kiêm hướng dẫn viên luôn, thích đi đâu thì đi. Cứ thử click vào cho vui chứ tôi nghĩ tiền đâu mà xa xỉ vậy . Click vào hóa ra rẻ bất ngờ, có mỗi 500 USD mà bao gồm cả khách sạn 3 sao luôn. Ngon , book luôn :D ( cái này có option upgrade lên khách sạn 4 sao tôi khuyên các bạn nên upgrade, vì 3 sao của bọn này chắc không bằng nhà nghỉ của mình, mà toàn ở khu hẻo lánh, ban đêm tôi cũng chả dám đi chơi về khuya).



Không nên về khuya quá nếu không cẩn thận sẽ có người rủ các bạn vào thực hành quyển này :))

Ấn tượng đầu tiên khi bước ra khỏi sân bay là rác, rác tràn ngập đường phố, chất đống như không ai dọn, trừ những đường lớn, trung tâm còn đâu mạnh ai nấy vứt rác. Tối về google mới biết 1 phần nguyên nhân là do xã hội phân chia đẳng cấp của Ấn Độ.


Xã hội Ấn Độ phân chia thành 4 đẳng cấp chính, cao nhất là Brahmin (tu sĩ), đứng sau lần lượt là Kshastriya (chiến binh), Vaishyas (nhà buôn), Shudras (thợ thuyền, nông dân). Dưới cùng, nằm ngoài hệ thống đẳng cấp, là tầng lớp “Dalit”, người ta hay gọi là “untouchables” , không phải theo nghĩ là “không đụng đến được” mà là “ không đáng để đụng đến” :)). Con sinh ra sẽ theo đẳng cấp của gia đình, bây giờ khó phân biệt hơn xưa nhưng nói chung bạn càng trắng thì người ta sẽ assume bạn đẳng cấp cao còn đen xì thì đi đâu , nhất là vào đền thờ cũng dễ bị hỏi :)). Tầng lớp Dalit này sẽ phải sống ở khu vực riêng, dùng nguồn nước riêng , đa số không được học hành và cả đời phải làm những công việc như dọn rác, quét đường…Thế nên các đẳng cấp trên cứ thế xả rác và để Dalit dọn, dọn không kịp thì đường phố cứ tha hồ mà bẩn. Tất nhiên giờ xã hội phát triển hơn việc kỳ thị này cũng đã bớt đi nhiều và chủ yếu là ở các vùng nông thôn. Nghĩ mới thấy chính ra kiểu theo Khổng Giáo, ít nhất sinh ra nghèo mà cố gắng vẫn đỗ Trạng Nguyên, làm quan các thứ, chứ đẻ ra đã bị kỳ thị như Ấn Độ thế này thì thảo nào Trung Quốc phát triển hơn Ấn Độ là phải.


Tôi trắng như thế này ở đây chắc phải thuộc giai cấp thống trị chứ chả chơi :))

Bò ở đây được tôn là thánh nên không ai đụng vào, thậm chí nước tiểu bò còn được coi như thuốc chữa bênh thần thánh, thấy bảo sáng ra nhiều người toàn hứng uống luôn cho nóng :)))). Bò thần thánh thế nên không ai dám đụng vào, cứ đi đầy đường phố, nhiều khi tắc đường vì mấy con bò đang mải ăn rác trên đường :/.

Dân Ấn đa phần ăn chay từ nhỏ nên ngoài đường bò, gà, chó , dê thậm chí cả khỉ chạy lông nhông như thế giới động vật .


Xe cộ phải nhường đường cho bò

Thức ăn là cái tôi thấy mọi người đi Ấn hay kêu vì món ăn cho nhiều gia vị, các món chủ yêu là nướng và các loại cari. Nhưng với đứa thích ăn các thứ có nước sốt như tôi thì cari là perfect :)). Mỗi bữa tôi ăn 1 loại cari mà đi 10 ngày vẫn chưa hết :)). Nói chung cari có nhiều loại, chia theo độ cay , thường mình ăn tầm trung ( Tikka Masala ), còn loại cay nhất hình như là Vindaloo . Tất nhiên bạn ăn ở các nhà hàng Ấn ở nước ngoài thì họ cũng đã giảm độ cay kha khá cho phù hợp khẩu vị khách rồi. Cari dân Ấn nấu với rau củ quả, trứng, thịt, cá, tôm… Mỗi thứ lại tạo thành các món khác nhau ( ví dụ Tikka Masala gà, Vindaloo cừu…) .


Cari gà với Naan và cơm

Ngoài ra thịt họ còn có các món nướng, phổ biến nhất là Tandoori, tức là thịt ướp sữa chua ( để làm thịt mềm hơn) và các loại gia vị sau đó xiên vào que to, nướng trong những cái lò trông như cái chum của mình :D. Còn Kabab cũng là thịt xiên nướng nhưng thịt đã được xay nhỏ, hơi giống nem lụi của mình. Ăn kèm với cari sẽ là cơm trắng loại hạt dài, hoặc bánh Roti/Nan.


Lò Tandoor trong đó người ta đang nướng gà, cừu băm, bánh Naan cũng được nướng ở thành lò

Khi ăn người Ấn dùng tay ,bẻ 1 miếng bánh hoặc bốc 1 nắm cơm, quệt nước sốt và đưa vào miệng. Ăn kiểu này mà vẫn không bị rớt ra quần áo thì cũng phải học lâu chứ tôi ăn bằng 2 tay mà vẫn rớt đầy ra bàn :)). Lại nói chuyện tôi ăn bằng 2 tay, bọn Ấn ngồi cạnh nhìn tôi như dị nhân , tưởng chúng nó hâm mộ mình đẹp trại trắng trẻo lại biết ăn bốc. Hóa ra là dân Ấn ăn bốc chỉ dùng tay phải, mọi người biết tại sao không :)). Là vì WC ở đây truyền thống là không có giấy ( thực ra truyền thống của Ấn hình như toàn ỉa bờ ỉa bụi chứ làm gì có vào WC :)), đến giờ vẫn có đến 70% các hộ gia đình ở Ấn ko có WC ), chỉ có xô nước với cái gáo, thế là tay phải cầm gáo, tay trái “xử lý “ :)), thế nên với người Ấn bạn đừng cầm đồ ăn hay các thứ tay trái rồi đưa họ là họ ghê lắm nhé , hoặc trót đưa rồi thì bảo nó là tụi tao dùng giấy với vòi xịt mày yên tâm không dính ra tay như tụi mày đâu :)).



Cả tuần ăn cari cay xong chả có rau cỏ gì ngoài ít dưa chuột cà chua, thế mà tôi vẫn thấy bình thường .Hồi này tôi còn ăn được cay chứ bây giờ ăn cay quá là “đau không chỉ 1 lần” . Nói thế là vì cách đây 1 năm đi ăn cari Ấn ở Sing xong order là làm như bọn mày hay ăn, huênh hoang tao đi Ấn 10 ngày ăn ko bị sao. Đến lúc mang ra, vừa ăn vừa xuýt xoa xong về nhà rên hừ hừ, cảm nhận rõ cari với ớt đang đi đến đâu, đi qua dạ dày thì đau bụng, xong đến lúc “đầu ra” thì trời ơi, các bạn cứ tưởng tượng “núi lửa” nó như thế nào thì biết rồi đấy, xong bỏng hết cả đ** phải nằm sấp 1 lúc để hồi lại. Chắc đàn ông bị rape đau thế này là cùng chứ gì :(((


Ảnh minh họa WC chỗ mình sau khi ăn cari loại cay nhất

1 đặc sản khác ở đây là xe buýt. Tôi há hốc mồm không hiểu sao những cái xe này lại được phép lưu thông trên đường . Xe buýt như những năm 70-80, sơn xe bong tróc, các chi tiết cảm giác như sắp rời ra đến nơi. Tôi đánh liều thử đi 1 chuyến ngắn, lúc vừa leo lên tôi nghĩ “ bỏ mẹ, không biết có xuống được xe không đây”. Xe 30 ghế mà tôi cá phải có đến 60 người ở trong, thêm 10 ông ngồi trên nóc nữa. Người Ấn thì to béo, xong ăn nhiều gia vị, thế là lúc chen chúc nhau đứng ôi thôi mồ hôi mọi người cùng tỏa ra thứ mùi khó tả mà 1 thằng bị tịt mũi như tôi cũng không chịu được lâu.



Lên luôn anh ei !! Còn nhiều chỗ lắm !!


Thôi “kể xấu” Ấn Độ thế nhiều quá cũng không đúng, các bạn lại mất hứng đi. Ai hỏi tôi có nên đi Ấn không tôi luôn trả lời “ Đi chứ, cái nôi của nền văn minh thế giới, quê hương của hơn 1 tỷ dân, của bao công trình kiến trúc sao lại không đi được “.

Nhà cửa họ lụp xụp nhưng các vị vua Ấn xây dựng các cung điện , lâu đài rất hoành tráng. Tất cả đa số làm bằng các loại đá tự nhiên, đá cẩm thạch . Ấn Độ xưa kia là rất nhiều các tiểu vương quốc giàu có, đã có thời cách đây tầm 300-400 năm, GDP Ấn Độ bằng ¼ GDP toàn thế giới . Ấn Độ đa số dân theo Hindu giáo nhưng xưa kia lại bị xâm chiếm và cai quản bới các vị vua Hồi Giáo nên đa số các công trình là của đạo Hồi.

Ấn tượng nhất là Taj Mahal ở thành phố Agra ,cung điện làm bằng đá cẩm thạch trắng, được vua Shah Jahan xây năm 1632 để thể hiện tình yêu vĩnh cửu ông dành cho ...vợ 2 của ông, 1 công chúa Ba Tư tên là Mumtaz Mahal :)) . Thực ra 2 người này đính hôn từ bé trước xong ông này phải lấy vợ cả và vợ 3 vì hôn nhân chính trị. Ông này chỉ có 1 con với vợ 1 và vợ 3 ( kiểu làm cho có, trả bài qua loa, ko đầy đủ :)) ), nhưng có đến 14 con với vợ 2 . Bà này cũng mất năm 38 tuổi khi sinh đứa con thứ 14 ( như nào mà nhanh thế nhỉ :-s ) chứ không thì chắc 2 người phải có đến 3-4 chục đứa là ít.Nghe nói khi bà mất, Vua Shah Jahan rất buồn và đã khóc suốt 1 năm trời đến bạc cả tóc ( Ngoài ra ông cũng lấy luôn thêm 8 bà vợ khác chắc cũng để nguôi ngoai ? ). Ông cho xây cung điện này hết khoảng 20 năm và tốn khoảng 1 tỷ USD ( tính theo thời giá hiện nay) để làm lăng mộ cho bà, sau này khi ông mất, con trai ông xây mộ ông cạnh mộ bà vợ để 2 người bên nhau mãi mãi.



Ngoài Taj Mahal tôi cũng đến kha khá các lâu đài khác nhưng nói chung kiến trúc cũng na ná nhau.

Tôi cũng đến Jaipur, thành phố màu hồng . Tất cả các nhà cửa ở đây ( trong khu vực Jaipur cũ) đều được xây/sơn màu hồng. Nguyên nhân là do từ năm 1876, Maharaja Ram Singh , vua của khu vực này để gây ấn tượng với hoàng tử Albert ( không phải truyện đam mỹ hay “nhuộm vàng súng ống” như các bạn tưởng đâu ạ, màu hồng là màu thể hiện sự hiếu khách ở đây :)), với cả Albert là chồng của nữ hoàng Victoria rồi :D ) nên đã ra lệnh sơn toàn bộ thành phố thành màu hồng để tỏ lòng mến khách. Từ đó về sau, tất cả các tòa nhà mới xây trong khu vực Jaipur cổ đều bắt buộc phải sơn hồng. Ở đây có lâu đài gió khá đep, với 953 cửa sổ với nhiệm vụ trang trí và làm mát


Hawa Mahal - lâu đài gió màu hồng ở Jaipur


Ấn Độ thì rất rộng nên chắc lần sau đến tôi sẽ còn quay lại. Lần này chưa đi được Varanasi cũng là 1 nơi linh thiêng nhất của Hindu giáo, nơi các tín đồ đến tắm mình trong dòng sông Hằng để gột rửa mọi tội lỗi. Được hỏa táng và rải tro trên sông Hằng cũng là 1 trong những ước mong lớn nhất của tín đồ Hindu giáo.


Sông Hằng thiêng liêng ở Varanasi

Hết Tết, chia tay Ấn Độ , về đến Nội Bài bắt cái taxi để về. Tài xế đột nhiên hỏi

“Anh mới đi Ấn Độ về ạ ?

Sao em biết ?

Vì em cũng hay chở khách Ấn Độ, anh có mùi y như thế ạ . :)) "

155 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page